Một trong những mối quan hệ quan trọng và gần gũi nhất giữa con người với nhau là mối quan hệ cha mẹ – con. Việc cha mẹ giáo dục con hay làm cha mẹ như thế nào đều diễn ra trong mối quan hệ đó. Trong truyền thống, cha mẹ thường được mong đợi chăm sóc về thể chất và đạo đức của con cái. Còn ngày nay, trách nhiệm đó đã được mở rộng tới mọi khía cạnh từ trí tuệ, cảm xúc cho đến xã hội.
Quan niệm và kỳ vọng về con có thể là thách thức trong quá trình làm cha mẹ. Quan niệm và kỳ vọng về con ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển và chất lượng cuộc sống, sức khỏe của gia đình, tới chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Nếu quan niệm và kỳ vọng phù hợp, thực tế sẽ giúp con phát triển thành công và hạnh phúc, ngược lại, nếu không phù hợp có thể dẫn đến hành vi giáo dục có hại cho trẻ, thậm chí nguy hiểm cho sự phát triển hay trong một số trường hợp cực đoan, có thể làm nguy hại đến sức khỏe thể chất và tâm lý ở trẻ.
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Quan niệm và kỳ vọng của cha mẹ trong giáo dục con lứa tuổi trung học cơ sở” do PGS.TS. Lê Văn Hảo làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện Hàn lâm đã được thực hiện trong 02 năm 2019-2020. Mục đích của nghiên cứu là khảo sát quan niệm và kỳ vọng của cha mẹ trong giáo dục con ở lứa tuổi vị thành viên (trung học cơ sở) trong các gia đình Việt Nam hiện nay nhằm đưa ra một số kiến nghị hay hàm ý khoa học, hướng đến việc cải thiện mối quan hệ cha mẹ – con và sức khỏe tâm lý gia đình.
Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được thể hiện qua 6 chương:
Chương 1. Những vấn đề chung
Chương 2. Quan niệm về một người cha/mẹ tốt và một người con tốt
Chương 3. Kỳ vọng của cha mẹ đối với con
Chương 4. Phong cách làm cho mẹ
Chương 5. Cảm nhận hạnh phúc của cha mẹ và của con
Chương 6. Mối quan hệ giữa quan niệm, kỳ vọng, phong cách giáo dục và cảm nhận hạnh phúc
Công trình nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu, phân tích thống kê và một số phương pháp nghiên cứu chuyên ngành khác trên cơ sở mẫu nghiên cứu ban đầu gồm 627 cha mẹ (khách thể nghiên cứu chính) và 611 con (khách thể nghiên cứu phụ) từ bốn tỉnh/ thành là Hòa Bình, Hà Nội, Trà Vinh, và Cần Thơ.
Nhóm tác giả cho rằng, quan niệm “sinh con để nhờ cậy lúc tuổi già” (lý do an sinh, định hướng cha mẹ) không còn hoàn toàn đúng với nhiều cha mẹ ngày nay. Kết quả này cho thấy, khác với quan niệm thông thường về giá trị của con cái, yếu tố tình cảm mới là ưu tiên số một, tiếp theo là vì gia đình, rồi mới đến an toàn tuổi già và cuối cùng mới vì lý do chuẩn mực – kinh tế. Nói cách khác, lý do tâm lý ưu trội hơn lý do an toàn tuổi già hay kinh tế, chuyển từ định hướng cha mẹ sang định hương đến cả cha mẹ và con cái trong mối quan hệ giữa hai thế hệ.
Nhất quán với kết quả định lượng, kết quả định tính cũng cho thấy cha mẹ mong đợi khá cao ở con về việc học tập tốt, đặc biệt là trong quan hệ với bạn bè, nhưng thấp hơn đáng kể về mặt thể thao hay nghệ thuật. Các phẩm chất được cha mẹ coi trọng và mong đợi nhất ở con, một lần nữa vẫn là “hiếu thảo”, “lễ phép”, “biết yêu thương”, “trọng tình nghĩa”. Ngược lại, các phẩm chất được cha mẹ coi trọng ở mức thấp nhất và kỳ vọng ít nhất là “giàu trí tưởng tượng”, “sáng tạo”, “mạo hiểm”, “thể hiện bản thân”… Mẫu hình này vẫn nhất quán với mô hình đã được thừa nhận rộng rãi về cái tôi phụ thuộc lẫn nhau của các nền văn hóa theo xu hướng cộng đồng.
Mức độ hài lòng của cha mẹ – xét về mặt tổng thể và theo các khía cạnh cụ thể – với con ở tuổi con học sinh trung học cơ sở được đánh giá ở mức cao. Trong đó, cha mẹ thể hiện mình hài lòng nhất với phẩm chất đạo đức của con và mối quan hệ của họ với con, ít hài lòng nhất với thói quen sinh hoạt hàng ngày; Về phía con cái, các em hài lòng nhất với mối quan hệ của mình với cha mẹ và mối quan hệ của mình với bạn bè, đồng thời ít hài lòng nhất với thói quen sinh hoạt hàng ngày của bản thân.
Trên cơ sở những nghiên cứu, phân tích, nhóm tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị liên quan đến quan niệm và kỳ vọng của cha mẹ về con và mối quan hệ của chúng với mục tiêu giáo dục, phong cách giáo dục và sự hài lòng với mối quan hệ cha mẹ – con trong gia đình, nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn:
Thứ nhất, người lớn không nên chỉ coi trọng đến nghe lời, dễ bảo mà còn cần phát triển phẩm chất quan tâm, cân nhắc đến những người khác, bao gồm cả cha mẹ, thầy cô, bạn bè; Thứ hai, cha mẹ không tạo áp lực đối với con, không có các kỳ vọng phi thực tế bên cạnh đó là biết quan tâm, chia sẻ, chăm sóc, hiểu và lắng nghe con, tôn trọng con; Thứ ba, cha mẹ sinh và giáo dục con vì lý do tình cảm, mối quan hệ trong gia đình hơn là vì lý do kinh tế hay an sinh tuổi già. Thứ tư, kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái ở mức phù hợp để từ đó tạo tác động tích cực cho con cái thay thay vì gây ra cảm giác bất lực; Thứ năm, kỳ vọng mang tính chất mục tiêu giáo dục con của cha mẹ có xu hướng thiên về “hiếu thảo”, “lễ phép”, chứ không phải giàu trí tưởng tượng, “sáng tạo”, “mạo hiểm”, “thể hiện bản thân”…
Sau khi đọc xong cuốn sách, chắc chắn độc giả sẽ có thêm những hiểu biết cần thiết để cải thiện mối quan hệ cha mẹ – con, cách thức giáo dục phù hợp với con và sức khỏe tâm lý của cả hai thế hệ, đặc biệt là con cái trong lứa tuổi trung học cơ sở. Đó cũng là đóng góp cho công việc giáo dục thế hệ trẻ khỏe mạnh, có động lực phấn đấu và thành công.
Hy vọng với những nội dung trên, cuốn sách sẽ đáp ứng nhu cầu của độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2023
Số trang: 286
———————
VIỆN TÂM LÝ HỌC NHÂN VĂN
Websit: https://vientamlyhocnhanvan.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vientamlyhocnhanvan
Youtube: https://www.youtube.com/@vientamlyhocnhanvan
Email: vientamlyhocnhanvan@gmail.com
Hotline/zalo: 0365 797 485
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.