Phân tâm học trẻ em và Phân tâm học Phát triển thời kì đầu đời là những nhánh Phân tâm học vô cùng sâu và hấp dẫn ở trong đó công trình “Nhất thể và Phân tách” của Kaplan là một đóng góp rất có giá trị. Chịu ảnh hưởng từ nhiều quan điểm của nhà Phân tâm học dòng Budapest – Margaret Mahler, Kaplan còn tham chiếu tới tư tưởng của nhiều nhà phân tâm học trẻ em nổi tiếng khác khi trình bày trong “Nhất thể và Phân tách”, như Donald Winnicott, Anna Freud…
Tuy hướng nghiên cứu của Kaplan là về sự phát triển trẻ em bình thường, nhưng như một lẽ tự nhiên, bất cứ hiểu biết sâu sắc nào trong dòng Phân tâm học trẻ em đều dẫn đến những sáng tỏ về mặt tâm bệnh học – đó cũng là lý do cho việc Kaplan còn nổi tiếng với những nghiên cứu về các hình thái lệch lạc tính dục (Perversions) và xu hướng Bái vật (Fetishism). Công trình “Không có tiếng nói nào mất đi hoàn toàn – No Voice Is Ever Wholly Lost” năm 1995 của bà rất có giá trị tham khảo trong tâm lý trị liệu.
“Nhất thể và Phân tách” sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc hơn sự phát triển ở trẻ em, có cơ sở khoa học và những hiểu biết tâm lý học để có thể quan sát sự hình thành nết người ở con mình rõ ràng hơn – bởi hàng tỉ người cha người mẹ trên tinh cầu này, trong hàng ngàn năm qua, đều sinh con đẻ cái, đều nuôi nấng dạy dỗ con mình, nhưng hầu như ít ai bận tâm quan sát, hoặc muốn quan sát nhưng không biết quan sát thế nào.
Kaplan mở đầu cuốn sách với những phê phán đời sống hiện đại: với lối sống thời hiện đại, thiên chức làm mẹ bị xem nhẹ – phụ nữ cũng bận mải hướng ngoại để phát triển sự nghiệp, và văn hóa đại chúng cũng không còn tôn vinh công việc làm mẹ theo đúng nghĩa truyền thống như trước kia nữa. Điều này dẫn tới cả bầu không khí xung quanh ở tầng vĩ mô và ở các cấu trúc gia đình, lẫn trong nội tâm và tâm thế sống của người làm mẹ đều thiếu hụt những hình dung hay huyễn tưởng, những yếu tố văn hóa mang tính bổ trợ cho tâm thế làm mẹ của phụ nữ.
Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, từng lời ru hời, từng thái độ đối xử của người xung quanh đối với sản phụ và người làm mẹ, từng câu ca dao tục ngữ, từng lễ hội tập tục lề thói của làng quê… đều hỗ trợ người làm mẹ có thời gian và điều kiện để sống trong những hình ảnh và cảm thức phù hợp với việc làm mẹ, trong nội tâm của họ có thể tái hiện và trải nghiệm lại những dư âm hoài vọng của những huyễn tưởng thời xa xưa – khi họ đã từng là trẻ thơ và nhận được sự chăm sóc dưỡng dục của ông bà cha mẹ và cả nền văn hóa. Những yếu tố bổ trợ vô hình này thường là những thứ khó nhận biết, do đó khi lối sống “hiện đại” phá vỡ các hệ giá trị sống truyền thống, những yếu tố nuôi dưỡng và kích hoạt tiềm năng làm mẹ này cũng bị tàn lụi thiếu khuyết dần mà không ai hay biết.
Kaplan kết lại cuốn sách bằng sự mở rộng tham chiếu sang lối sống, cách sống, cách mà các nền văn hóa tổ chức con người và hình thành tập tục lề thói sống. Lối sống hiện đại – nếu đã ngấm ngầm thủ tiêu đi những yếu tố hỗ trợ đời sống rất thiết yếu, thì nó sẽ sớm bộc lộ sự độc hại của nó qua những hệ quả phát sinh mà lối sống ấy đem lại. Lối sống ấy sẽ thấm nhiễm ngấm ngầm vào mô thức quan hệ giữa người mẹ và trẻ sơ sinh, định hình nhân cách của đứa trẻ về sau. Trước khi viện dẫn tới những tín niệm mê muội và thần bí để gọi tên thứ mà chúng ta hay gọi là “số phận” hay “trời sinh tính”, thì Kaplan cùng các nhà Phân tâm học trẻ em khác đưa ra một thông điệp: hãy hiểu thật rõ và sâu những mẫu thức quan hệ giữa mẹ và bé thời sơ sinh, hãy thăm dò khám phá ra sự hình thành tính tôi (self-hood) qua sự dao động vật lộn không dứt giữa Nhất thể và Phân tách trên tiến trình từ sơ sinh đến khi nên người, chúng ta sẽ dần hiểu được cái ta hay gọi là số phận có nghĩa là gì, dưới một góc nhìn rất đời và rất khoa học.
—————————-
PHÒNG SÁCH TÂM LÝ HỌC
www.psychology.edu.vn
Hotline/Zalo 0365 797 485
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.