Trong những năm gần đây, vấn đề hòa nhập xã hội, cùng với tách biệt xã hội đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả và các tổ chức trên thế giới. Theo Liên hợp quốc (2016b), hòa nhập xã hội là quá trình cải thiện sự tham gia vào xã hội của những nhóm dễ bị tổn thương thông qua việc tăng cường cơ hội, tiếp cận nguồn lực, coi trọng tiếng nói và các quyền của họ. Vì vậy hòa nhập xã hội vừa là một quá trình, vừa là một mục tiêu.
Tại Việt Nam, phát triển hòa nhập cũng trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm và là mục tiêu phát triển mà Việt Nam hướng tới. Trong các nhóm xã hội yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm đối mặt với nguy cơ “kép” bị tách biệt xã hội bởi họ mang những đặc tinh của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương- họ là những phụ nữ đồng thời là nhóm dân tộc thiểu số. Việc tăng cường hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội là điều cần thiết, bởi thông qua đó họ sẽ có cơ hội và khả năng tham gia một cách đầy đủ, hiệu quả hơn vào mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Cuốn sách chuyên khảo “Để không bị bỏ lại phía sau: Cơ hội và năng lực hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số (Nghiên cứu ở Tây Bắc)” do TS. Vũ Thị Thanh làm chủ biên được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2022 mang đến cho độc giả những thông tin hữu ích về sự hòa nhập xã hội của hai nhóm đối tượng là phụ nữ dân tộc Thái và Mông ở tỉnh Lai Châu- một tỉnh vùng Tây Bắc với tỷ lệ nghèo cao nhất và chỉ số phát triển con người HDI thấp nhất cả nước. Cuốn sách là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thực hiện năm 2019-2020: “Nghiên cứu hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số từ cách tiếp cận phát triển con người.
Ngoài phần giới thiệu, kết n và khuyến nghị, nội dung chính của cuốn sách được kết cầu thành 4 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trong chương này, nhóm tác giả làm rõ một số vấn đề về lý luận, thực tiễn và khung lý thuyết phân tích hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số. Để có thể phản ánh rõ nét tình trạng hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, nhóm nghiên cứu lựa chọn thực hiện nghiên cứu tại tỉnh Lai Châu bởi đây là một tỉnh vùng núi Tây Bắc với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (70% dân tộc Thái và 10% dân tộc Mông). Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong công trình này bao gồm: phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi; phương pháp phỏng vấn sâu; phương pháp thảo luận nhóm.
Chương 2.Tiếp cận thị trường của phụ nữ dân tộc thiểu số
Để hiểu rõ về sự hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số trên phương diện tiếp cận thị trường, nhóm tác giả tập trung vào tiếp cận việc làm và tiếp cận đất đai. Nghiên cứu khẳng định, cơ hội việc làm của phụ nữ dân tộc thiểu số bị hạn chế do không có sẵn việc làm phi nông nghiệp phù hợp với họ, trong khi đó việc tìm kiếm việc làm chủ yếu dựa vào các mối quan hệ cá nhân nhưng lại chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đi lao động bất hợp pháp theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và điều này đặt họ vào những rủi ro không đáng có. Mặc dù phụ nữ dân tộc thiểu số chủ yếu lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhưng việc tiếp cận đất đai của họ còn hạn chế như: việc chuyển đổi giấy chứng nhận đất mang tên cả vợ và chồng chưa được triển khai rộng khắp; nhận thức của cả phụ nữ và nam giới về quyền của phụ nữ tiếp cận đất đai còn hạn chế; phụ nữ dân tộc thiểu số cũng ít có vai trò quyết định đối với các vấn đề đất đai của gia đình, nhất là vấn đề thừa kế…
Chương 3. Tiếp cận các dịch vụ xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số
Trong chương này, cuốn sách cung cấp cho độc giả những thông tin về sự hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số người Mông và người Thái tại tỉnh Lai Châu trên phương diện tiếp cận các dịch vụ xã hội, trong đó tập trung vào các dịch vụ có ảnh hưởng tới sự phát triển con người bao gồm: (i) tiếp cận dịch vụ y tế; (ii) tiếp cận giáo dục; (iii) tiếp cận thông tin. Nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số khám thai đầy đủ khi mang thai còn thấp và tỷ lệ sinh con tại nhà còn cao, tình trạng này phổ biến ở phụ nữ Mông nhiều hơn phụ nữ Thái. Trình độ học vấn của phụ nữ Mông thấp hơn nhiều so với phụ nữ Thái, bên cạnh đó tình trạng mù chữ còn rất phổ biến bởi nhiều phụ nữ mặc dù có đi học nhưng bị tái mù… Việc tiếp cận thông tin của phụ nữ dân tộc thiểu số còn khá hạn chế, cụ thể: thông tin được tiếp cận nhiều nhất là sức khỏe, sản xuất chăn nuôi; gần một nửa số phụ nữ được khảo sát có tiếp cận với các thông tin vể luật pháp, chính trị xã hội, bình đẳng giới, việc làm. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu cho là do không có sẵn các nguồn cung cấp thông tin phù hợp, sự hạn chế về năng lực cá nhân do không biết chữ, không biết tiếng phổ thông…
Chương 4. Tham gia chính trị, xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số
Chương này, nhóm tác giả tập trung phân tích sự tham gia chính trị, xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua việc tham gia các hoạt động bầu cử, tham gia vào quá trình ra quyết định ở địa phương và duy trì mạng lưới xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số. Nghiên cứu cho rằng, những định kiến về về vai trò giới gắn phụ nữ với những trách nhiệm gia đình và không đề cao tiếng nói của phụ nữ làm cản trở sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định cộng đồng; sự thiếu chủ động, tự tin là rào cản đối với sự tham gia xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số; sự hạn chế về tiếp cận thông tin cũng góp phần dẫn đến việc hạn chế sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các hoạt động này…
Trên cơ sở những phân tích đánh giá về khả năng tiếp cận thị trường, dịch vụ xã hội cũng như sự tham gia các hoạt động chính trị, xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị về chính sách nhằm nâng cao cơ hội và năng lực hòa nhập xã hội của nhóm người này trong thời gian tới.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả. Nghiên cứu này giúp độc giả có cái nhìn đa chiều hơn về thực trạng và yếu tố ảnh hưởng đến sự hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số. Hy vọng rằng, nội dung được trình bày trong cuốn sách sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về cơ hội và năng lực hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Năm xuất bản: 2022
Số trang: 295
———————
VIỆN TÂM LÝ HỌC NHÂN VĂN
Websit: https://vientamlyhocnhanvan.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vientamlyhocnhanvan
Youtube: https://www.youtube.com/@vientamlyhocnhanvan
Email: vientamlyhocnhanvan@gmail.com
Hotline/zalo: 0365 797 485
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.