Chế Ngự Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên chính là cuốn cẩm nang đó.
Cuốn sách mới này được viết ra cho tất cả những người tuổi hai mươi và ba mươi, bất kể giới tính, tình trạng tài chính, màu da, địa vị cũng như vị trí địa lí. Nó bao gồm lời khuyên của những người đã từng học đại học, cũng như những người chưa từng học; những người lao động trí óc, những người lao động tay chân, và những người không hề lao động; những người có tiền, lẫn những người đang mắc nợ sáu con số; những người có khá ít nghĩa vụ và những bậc phụ huynh độc thân với vô số trách nhiệm; những người đang bên bờ vực trầm cảm và những người cảm thấy mình tương đối ổn. Chế Ngự Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên tập trung vào mối liên kết chung giữa những người ở độ tuổi chúng ta: các câu tự vấn, sâu sắc, khiến chúng ta mất ngủ; các câu hỏi khó khăn, nặng nề mà đôi khi chúng ta quá sợ để hỏi chính bản thân mình
” Có một thực tế rằng những người đang phải vật lộn với với khủng hoảng tuổi trung niên lại là những người lên tiếng thể hiện sự hoài nghi trước Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên nhiều nhất. Đây là những người thường nói những điều như: “Cô cậu đang còn trẻ, cô cậu còn được học hành tử tế, cô câu còn cả cuộc đời chờ đợi phía trước. Cô cậu có gì mà phải than phiền chứ?”
“Khi các thế hệ trước bước sang tuổi hai mươi, họ tốt nghiệp rồi nhanh chóng tìm bạn đời, rồi ngay lập tức đâm đầu vào một định hướng nghề nghiệp để hỗ trợ gia đình mà họ dự tính sẽ sớm có. Tuổi hai mươi của họ không giành cho sự trải nghiệm và vấp ngã, như chúng ta. Họ buộc phải trưởng thành nhanh chóng”
“Với chúng ta, tuổi hai mươi trở thành thời kì chuyển đổi hơn là một kết thúc”
“Chúng ta đang giành tuổi hai mươi của mình để giải quyết các vấn đề mà cha mẹ chúng ta không có thời gian để đối mặt cho đến tuổi trung niên. Điều này có thể có ý nghĩa khi thế hệ chúng ta đến tuổi trung niên, vì đã vật lộn với những rắc rối về hình thức của mình, nên chúng ta có thể vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên một cách trọn vẹn”
“Khủng hoảng tuổi trung niên là một hiện tượng được công nhận rộng rãi và đã có nhiều nguồn hỗ trợ những người trung niên đối mặt và vượt qua nó… Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên cũng xứng đáng có được nhiều nguồn trợ giúp như vậy và được an ủi rằng những gì chúng ta trải qua là bình thường…”
“Cuốn sách miêu tả những cảm giác e ngại và do dự gây ra cho những người tuổi hai mươi… Nó thảo luận về sự hoang mang và lạc lối… vì không có định hướng nào cho những tháng năm này, không có cuốn cẩm nang mang đem tới các câu trả lời. Nó than phiền về sự thiếu vắng một cuốn sách hướng dẫn… Chế Ngự Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên chính là cuốn cẩm nang đó”
…
Trích: “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên”
BÁO TIỀN PHONG: Sách về khủng hoảng tuổi 20: https://tienphong.vn/sach-ve-khung-hoang-tuoi-20-post957346.tpo
Hội trường tầng ba của NXB Tri thức kín chỗ, càng về sau, khách đến càng đông, và trừ bốn giáo sư tóc bạc ở vị trí khách mời, người tham dự đều ở trong độ tuổi “mười mấy đến hai mấy”.
“Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” là một cuốn sách của nữ tác giả Alexandra Robbins (sinh năm 1976). Nó bao gồm những lời khuyên của những người tuổi hai mươi đã trải nghiệm và chế ngự khủng hoảng. Đây là tác giả có sách bán chạy nhất dựa trên số liệu của New York Times. Sách của bà tập trung vào đối tượng thanh niên, vào giáo dục và cuộc sống trong trường đại học hiện đại cùng các khía cạnh thường bị bỏ qua hoặc coi nhẹ bởi những người quản lý.
Theo dịch giả Trần Nguyên (tên thật là Trần Cảnh Dương), đây là một cuốn sách dày công và tỉ mỉ, bởi ngoài những vấn đề về tâm lý học, hơn nửa cuốn sách là những ví dụ người thực việc thực. “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” đã được NXB Tri thức tổ chức dịch và phát hành vào tháng 5/2016.
Dịch giả chia sẻ: năm năm trước, khi nhận dịch cuốn sách này, bản thân anh cũng đang trong giai đoạn khủng hoảng. Mới ra trường vài năm, chưa biết tương lai là gì, chưa biết đam mê của mình là gì, và vẫn “đi tìm công việc mà mình sẽ gắn bó cả đời”.
Anh Dương cũng cho rằng, cuốn sách hấp dẫn anh vì tác giả đưa ra rất nhiều trường hợp khủng hoảng cụ thể và những gợi ý trả lời. Người đọc có thể tìm đáp án cho mình qua sách, cũng có thể chỉ cần biết rằng, họ không phải là người duy nhất gặp rắc rối như vậy.
Ngoài ra, cuốn sách còn nhấn mạnh đến việc nhận thức khủng hoảng. Rằng khủng hoảng tuổi thành niên là một điều tự nhiên, ai cũng phải trải qua và mỗi người sẽ có một vấn đề riêng của mình. Có người khủng hoảng ước mơ: không biết mình muốn gì, thích gì. Người khủng hoảng trong các mối quan hệ: không giỏi giao tiếp, mình có phải đồng tính hoặc lưỡng tính? Người khủng hoảng công việc: tự nhiên muốn bỏ việc, muốn làm lại từ đầu. Người gặp vấn đề với gia đình, bạn bè. Người gặp rắc rối về cá tính: tại sao cuộc sống của tôi tẻ nhạt và vô nghĩa?
ThS. Nguyễn Lan Anh, Dịch giả Trần Dương
Nhà tâm lý học Lan Anh cho rằng khủng hoảng là điều tất yếu trong cuộc sống. Nhưng quan trọng là mỗi cá nhân xử lý vấn đề của mình như thế nào: trốn tránh hay đối mặt để vượt qua khó khăn.
Trong buổi chia sẻ, nhiều ý kiến đã được đưa ra về khủng hoảng lứa tuổi thành niên. Trong độ tuổi mà các khía cạnh của cuộc sống như hôn nhân, nghề nghiệp hay đam mê, sứ mệnh… đều chưa rõ ràng, cá nhân dễ rơi vào vòng xoáy chán nản và bỏ dở tương lai của bản thân. Các vấn đề như bỏ bê việc học, đổ vỡ chuyện tình cảm, mơ hồ trong công việc… đều là khủng hoảng và cần các chuyên gia tư vấn giúp đỡ.
Sau khi nghe chia sẻ của lứa tuổi thành niên, các bậc học giả như GS.Chu Hảo, nhà giáo Phạm Toàn đã đưa ra nhiều lời khuyên giá trị cho lớp trẻ.
“Muốn giỏi, cần chăm chỉ”. Đó là lời khuyên ngắn gọn của GS.Chu Hảo. Ông cho rằng con người chỉ đam mê những gì mình giỏi, và muốn giỏi thì không còn cách nào khác là chăm chỉ làm việc. Khi đó dẫu khủng hoảng nghề nghiệp có ập đến thì con người cũng biết dựa vào đam mê của bản thân để đứng lên và vượt qua sự mất cân bằng trong cuộc sống.
GS.Chu Hảo, Nhà giáo GS. Phạm Toàn
Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng muốn vượt qua khủng hoảng thì mỗi người cần phải dám đối thoại chính bản thân mình. Đó là một việc khó, và muốn có thể tự vấn thì con người cần chăm chỉ rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần.
Ths Nguyễn Lan Anh làm một test nhỏ, cô hỏi: ai trong số những người tham dự talk này đang bị khủng hoảng? Có đến 3/4 số người giơ tay. Chị Lan Anh cho rằng: việc các độc giả đến tham dự cuộc nói chuyện này và thừa nhận vấn đề của mình là một tín hiệu đáng mừng. Bởi vì không phải thanh niên nào cũng nhận ra được “mình đang có vấn đề” và “mình cần giải pháp”. Chị Lan Anh cũng thừa nhận: khi tôi 20 tuổi, tôi không làm được như các bạn. Lúc đó tôi chỉ quan tâm đến những vấn đề ngoài mình như công việc, cơ hội học tập, mức lương… mà bỏ qua những stress cá nhân.
Hơn nửa thời gian về sau là thời gian dành cho những câu hỏi “cụ thể, bé nhỏ và cá nhân” như yêu cầu của GS Chu Hảo. Đa phần những thắc mắc đưa ra tập trung vào khủng hoảng: không biết mình muốn gì, thích gì, đam mê của mình là gì, và nên chọn ngành nghề nào cho phù hợp? Có sinh viên trường Bách khoa nêu vấn đề: không hiểu chuyện gì xảy ra khi việc học liên tục tụt dốc, bị cảnh cáo lần một, lần hai, lần ba, và bây giờ nỗ lực học lại mà không có một xíu niềm vui hay hy vọng? Một trường hợp khác, từng thử qua gần mười công việc: từ bartender, đầu bếp, kế toán… và giờ đang học đông y theo gia đình nhưng vẫn không thể tìm thấy đam mê thực sự?
Nguyễn Hoàng An (ĐH Kinh tế): “Tôi đến đây vì bản thân đang cảm thấy bế tắc. Tôi sắp tốt nghiệp, muốn mở cửa hàng buôn bán, nhưng bố mẹ chỉ kỳ vọng tôi xin vào các công ty, lương thấp cũng được, chỉ cần ổn định”.
Trần Huy Hoàng (Kim Liên, Hà Nội): “Năm ngoái tôi thi trượt đại học, năm nay đang ôn lại. Rất hoang mang không biết chọn trường nào, cũng không tìm thấy chuyên ngành mình thực thích”.
GS Chu Hảo có một câu trả lời rất ngắn: muốn có đam mê thì phải giỏi, muốn giỏi phải chăm chỉ. Không chăm chỉ thì không thể nói chuyện đến đam mê, mơ ước hay bất cứ thứ gì.
Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng: không có đam mê từ đầu, từ đầu chỉ có lười. Đam mê thực sự sẽ phát triển trong quá trình làm việc. Làm việc có thành quả tự sẽ thành đam mê.
Dịch giả Trần Cảnh Dương kể: chính tôi sau 10 năm ra trường, thử qua hơn 10 công việc khác nhau cũng mới phát hiện ra mình thích dịch sách. Nhưng bây giờ tôi lại có một khủng hoảng khác: là dịch sách thì không đủ sống, phải làm gì đó để có thể kiếm tiền nuôi việc dịch?
Ths Nguyễn Lan Anh mách nước: hiện nay đã có giáo trình và bộ test PQ (chỉ số đam mê) và AQ (chỉ số vượt khó). Những người đang hoang mang tìm đam mê có thể thử test và tham khảo.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.