GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG
- Viện Tâm Lý Học Nhân Văn
- GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG
GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG – CHÌA KHÓA MỞ CÁNH CỬA PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH TOÀN DIỆN
Trong nhịp sống hiện đại đầy áp lực, việc trang bị kỹ năng sống cho mỗi cá nhân – đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên – trở nên cấp thiết. Khi gia đình bận rộn, xã hội phức tạp khiến các em dễ tổn thương, thì giáo dục kỹ năng sống chính là “áo giáp mềm” giúp bảo vệ tâm lý, nuôi dưỡng nội lực và hình thành một thế hệ vững chãi, nhân ái. Không chỉ là phương pháp hỗ trợ học tập, giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống chính là nền tảng để con người sống hạnh phúc, ứng xử có đạo đức, biết yêu thương và thích ứng sáng tạo với cuộc sống.
Xuất phát từ tầm nhìn đó, Viện Tâm lý học Nhân văn (IHP) thành lập Ban Nghiên cứu và Phát triển Kỹ năng sống – như một điểm tựa vững vàng cho hành trình phát triển nhân cách một cách trọn vẹn. Với đội ngũ chuyên gia giàu tâm huyết, kết hợp giữa nền tảng khoa học tâm lý và bản sắc văn hoá Việt Nam, IHP đã nghiên cứu , thiết kế chương trình giáo dục kỹ năng sống – giá trị sống như một cấu phần quan trọng trong các hoạt động giáo dục toàn diện và phát triển con người.
Chúng tôi tin rằng, mỗi con người đều mang trong mình tiềm năng sống đẹp, sống sâu, sống có trách nhiệm và có giá trị. Điều quan trọng là được đánh thức và khai mở qua TRẢI NGHIỆM thực tiễn, được THẤU HIỂU chính mình, và từ đó CHUYỂN HOÁ sâu sắc để trưởng thành.
CƠ SỞ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
a) Cơ sở pháp lý
Chương trình giáo dục kỹ năng sống của Viện Tâm lý học Nhân văn được xây dựng dựa trên các văn bản pháp lý sau:
- Luật Giáo dục 2019;
- Quyết định 1373/QĐ-TTg (2013) về Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học;
- Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về công tác tư vấn tâm lý học đường;
- Chương trình Giáo dục phổ thông mới (2018), trong đó kỹ năng sống là một trong các năng lực cốt lõi được tích hợp và phát triển.
- Các văn bản về Kỹ năng sống: Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy định Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Thông tư số 18/2024/TT-BGDĐT ngày 28/11/2024 của Bộ GD&ĐT về ban hành chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên giao công nghệ và Văn bản số 6759/BGDĐT-GDTX ngày 04/12/2023 về tăng cường quản lý hoạt động giáo dục KNS và hoạt động GDNGCK.
- Và các quy định, hướng dẫn khác về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; phòng chống tai nạn thương tích; giáo dục đạo đức và phát triển quyền trẻ em trong giai đoạn hiện nay.
b) Cơ sở khoa học
Chương trình được xây dựng dựa trên:
- Các lý thuyết phát triển con người toàn diện (Maslow, Erikson);
- Lý thuyết học tập qua trải nghiệm (Kolb);
- Lý thuyết giáo dục nhân bản, giáo dục khai phóng và các mô hình giáo dục tích hợp xúc – xã hội (SEL);
- Các chương trình đào tạo, công trình nghiên cứu khoa học của Viện và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tâm lý học, giáo dục, công tác xã hội.
c) Cơ sở thực tiễn
- Từ thực tiễn giảng dạy và đào tạo tại các trường học, cơ sở giáo dục, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp;
- Phản hồi của học viên, giáo viên, nhà quản lý sau khi tham gia chương trình thí điểm;
- Kết quả nghiên cứu hành động tại các địa phương nơi Viện đã triển khai chương trình kỹ năng sống.
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
a) Đối với giáo viên, giảng viên và người làm công tác giáo dục
- Kiến thức nền tảng về kỹ năng sống, giá trị sống và giáo dục nhân bản;
- Phương pháp tổ chức hoạt động theo hướng trải nghiệm;
- Kỹ năng thiết kế bài học kỹ năng sống;
- Hướng dẫn tổ chức hoạt động nhóm, xử lý tình huống tâm lý học đường;
- Công cụ đánh giá sự phát triển kỹ năng sống cho học sinh.
b) Đối với học sinh các cấp
Tùy theo độ tuổi, nội dung được thiết kế phù hợp:
- Tiểu học: Kỹ năng tự phục vụ, nhận diện cảm xúc, giao tiếp, làm việc nhóm, giữ gìn vệ sinh cá nhân, xử lý mâu thuẫn đơn giản;…
- THCS: Kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc, kỹ năng ra quyết định, quản lý thời gian, kỹ năng ứng phó với bắt nạt học đường, nhận diện giá trị và phát triển điểm mạnh – tố chất bản thân;…
- THPT: Kỹ năng thiết lập mục tiêu, định hướng nghề nghiệp, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, kỹ năng phản biện, chống áp lực đồng trang lứa;…
- Sinh viên và thanh niên: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, tư duy sáng tạo, tự học và phát triển bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân, lãnh đạo bản thân,…
c) Đối với Doanh nghiệp – Tổ chức giáo dục – Tổ chức xã hội…
- Triển khai các chương trình phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng thoát hiểm – phòng vệ;
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa học đường, đào tạo nội bộ nâng cao hiệu suất làm việc, kỹ năng làm việc nhóm, truyền cảm hứng – lãnh đạo đồng hành;
- Tư vấn thiết lập hệ thống tư duy tích cực, chuyển hóa tích cực bên trong nội tâm;
- Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, team building gắn kết tập thể hướng tới phát triển bền vững và làm việc trong hạnh phúc.
TIÊU CHUẨN CHƯƠNG TRÌNH
- Lấy người học làm trung tâm: Tôn trọng sự khác biệt và tính cá thể của người học;
- Tích hợp và thực tiễn: Gắn kỹ năng sống vào các tình huống học tập, công việc và cuộc sống thực tế;
- Tiếp cận dựa trên năng lực: Đánh giá quá trình thay đổi về nhận thức, cảm xúc, hành vi chứ không chỉ trên lý thuyết;
- Linh hoạt theo văn hóa vùng miền và nhóm đối tượng;
- Đảm bảo tính bền vững: Chương trình có khả năng lồng ghép, chuyển giao, mở rộng và cập nhật thường xuyên.
HÌNH THỨC & PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
a) Đào tạo – huấn luyện
- Các lớp tập huấn ngắn hạn (2-5 ngày);
- Khóa chuyên sâu dài hạn (1-3 tháng);
- Chương trình đào tạo giảng viên nguồn;
- Huấn luyện đồng hành theo nhóm nhỏ hoặc cá nhân.
b) Trải nghiệm – học tập dựa trên hành động
- Trại kỹ năng (10 – 30 ngày);
- Câu lạc bộ kỹ năng định kỳ;
- Hoạt động cộng đồng: dự án nhỏ, tình nguyện, mô phỏng xã hội;
- Mô hình lớp học cảm xúc – kỹ năng tích hợp trong tiết học chính khóa.
c) Chuyển giao – tư vấn chuyên sâu
- Phối hợp xây dựng chương trình kỹ năng sống tại trường học, tổ chức doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng;
- Đồng hành tư vấn xây dựng văn hóa tổ chức học tập giàu tính nhân văn;
- Hỗ trợ thiết lập hệ thống đánh giá sự phát triển kỹ năng sống.
THÔNG ĐIỆP TỪ VIỆN
Chúng tôi tin rằng, giáo dục kỹ năng sống không chỉ là dạy cách đối phó, mà là cách nuôi dưỡng một con người biết sống có ý nghĩa – với chính mình, với người khác và với xã hội.
“Từ trải nghiệm đến thấu hiểu và chuyển hoá” – hành trình ba bước để xây nền vững chắc cho tâm hồn và nhân cách sống.
– Trẻ em học cách yêu thương bản thân, biết ứng xử hài hòa, tự tin và có trách nhiệm.
– Người lớn học cách làm cha mẹ, làm người đồng hành và cũng là người học suốt đời.
– Các tổ chức, doanh nghiệp học cách xây dựng văn hóa tổ chức, nơi mỗi cá nhân đều là ngọn lửa lan tỏa.
Khi kỹ năng sống trở thành nền tảng chung, một xã hội nhân văn và bền vững là điều hoàn toàn có thể kiến tạo được. Hãy cùng Viện Tâm lý học Nhân văn gieo những hạt giống giá trị hôm nay – để gặt hái một thế hệ biết sống tử tế, có nhân cách, có nội lực và đầy khát vọng ngày mai.